Phương pháp kế toán hợp đồng hợp tác kinh doanh chia lợi nhuận sau thuế
Các doanh nghiệp luôn có hoạt động hợp tác kinh doanh. Hợp tác kinh doanh theo quy định của thông tư 200/2014/TT-BTC có 3 phương pháp là:
– Phương pháp kế toán hợp đồng hợp tác kinh doanh theo hình thức tài sản đồng kiểm soát
– Phương pháp kế toán hợp đồng hợp tác kinh doanh theo hình thức hoạt động kinh doanh đồng kiểm soát
– Phương pháp kế toán hợp đồng hợp tác kinh doanh chia lợi nhuận sau thuế
Trong bài viết này, kế toán HYP xin chia sẻ với các bạn quy định của Thông tư 200/2014/TT-BTC về Phương pháp kế toán BCC chia lợi nhuận sau thuế.
Để hiểu rõ về Nguyên tắc kế toán trong hợp đồng hợp tác kinh doanh, mời các bạn xem bài Nguyên tắc kế toán giao dịch hợp đồng hợp tác kinh doanh theo Thông tư 200/2014/TT-BTC
Phương pháp kế toán BCC chia lợi nhuận sau thuế
4.1. Trường hợp các bên được chia một khoản cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của BCC (Bên kế toán và quyết toán thuế kiểm soát BCC),:
a) Tại bên thực hiện kế toán và quyết toán thuế cho BCC
– Trường hợp nhận tiền, vật tư, hàng hóa của các bên góp vốn, ghi:
Nợ các TK 112, 152, 156…
Có TK 338 – Phải trả, phải nộp khác.
– Khi phát sinh các khoản doanh thu, chi phí cho BCC, kế toán nhận toàn bộ doanh thu, chi phí như đối với các giao dịch của chính mình theo quy định của pháp luật.
– Khi xác định số tiền phải trả định kỳ cho các bên khác theo hợp đồng, ghi:
Nợ TK 627, 641, 642
Có TK 338 – Phải trả, phải nộp khác.
– Trả lại cho các bên số tiền, vật tư đã nhận góp vốn, ghi:
Nợ TK 338 – Phải trả, phải nộp khác
Có các TK 112, 152, 156…
Nếu có chênh lệch giữa giá trị hợp lý của tài sản trả lại và giá trị khoản vốn nhận góp của các bên, kế toán phản ánh thu nhập khác hoặc chi phí khác.
b) Tại bên không thực hiện kế toán và không quyết toán thuế cho BCC
– Khi góp vốn vào BCC, ghi:
Nợ TK 138 – Phải thu khác
Có các TK 112, 152, 156…
– Khi nhận được thông báo về số lãi được chia từ BCC, ghi:
Nợ TK 138 – Phải thu khác
Có TK 511 – Doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ (5113).
– Khi nhận lại vốn góp, ghi:
Nợ các TK 112, 152, 156…
Có TK 138 – Phải thu khác.
Nếu có chênh lệch giữa giá trị hợp lý của tài sản nhận về và giá trị khoản vốn góp, kế toán phản ánh thu nhập khác hoặc chi phí khác.
4.2. Trường hợp các bên được chia lợi nhuận phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của BCC (các bên có quyền đồng kiểm soát BCC):
a) Tại bên kế toán và quyết toán thuế
a1) Việc ghi nhận vốn góp và trả lại vốn góp cho các bên thực hiện tương tự điểm 4.1 nêu trên.
a2) Khi ghi nhận doanh thu của BCC, kế toán ghi nhận toàn bộ doanh thu phát sinh trên sổ kế toán TK 511 để làm căn cứ đối chiếu, giải trình và xác định doanh thu tính thuế cho BCC:
– Ghi nhận doanh thu của BCC, ghi:
Nợ các TK 112, 131
Có TK 511 – Doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ
Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp.
Trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, chỉ khoản doanh thu tương ứng với phần được hưởng mới được trình bày trong chỉ tiêu “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ”
– Định kỳ, kế ghi giảm doanh thu của BCC tương ứng với phần các bên được hưởng, ghi:
Nợ TK 511 – Doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ
Nợ TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (nếu chia cả thuế GTGT)
Có TK 338 – Phải trả, phải nộp khác.
a3) Khi ghi nhận chi phí của BCC, kế toán ghi nhận toàn bộ chi phí trên sổ kế toán các tài khoản chi phí liên quan để làm căn cứ đối chiếu, xác định chi phí tính thuế của BCC:
– Khi phát sinh chi phí của BCC, ghi:
Nợ các TK 632, 641, 642…
Có các TK 112, 331, 154, 155…
Trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, chỉ các khoản chi phí tương ứng với phần phải gánh chịu mới được trình bày trong các chỉ tiêu về chi phí.
– Định kỳ, kế toán ghi giảm chi phí của BCC tương ứng với phần các bên khác phải gánh chịu, ghi:
Nợ TK 138 – Phải thu khác
Có các TK 632, 641, 642.
– Khi xác định số thuế TNDN phải nộp cho BCC, bên quyết toán thuế thông báo cho các bên khác về nghĩa vụ đối với số thuế phải nộp của từng bên, ghi:
Nợ TK 8211 – Chi phí thuế TNDN (số phải nộp của bên quyết toán thuế)
Nợ TK 138 – Phải thu khác (số nộp hộ các bên khác trong BCC)
Có TK 3334 – Thuế TNDN (tổng số thuế TNDN phải nộp).
– Sau khi đối chiếu chi phí phát sinh chung mỗi bên phải gánh chịu và doanh thu chia cho các bên theo hợp đồng, kế toán bù trừ khoản phải thu khác và phải trả khác (chi tiết cho từng bên tham gia BCC), ghi:
Nợ TK 338 – Phải trả, phải nộp khác
Có TK 138 – Phải thu khác.
b) Tại bên không kế toán và không quyết toán thuế
– Khi góp vốn vào BCC, ghi:
Nợ TK 138 – Phải thu khác
Có các TK 112, 152, 156…
– Căn cứ vào Bảng phân bổ chi phí của hợp đồng liên doanh đã được các bên góp vốn liên doanh chấp nhận (do bên kế toán và quyết toán thuế thông báo), ghi:
Nợ các TK 621, 622, 623, 641, 642 (chi tiết cho hợp đồng liên doanh)
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có TK 338 – Phải trả, phải nộp khác.
– Căn cứ số thuế TNDN phải nộp được bên quyết toán thuế thông báo, ghi:
Nợ TK 821 – Chi phí thuế TNDN hiện hành
Có TK 338 – Phải trả, phải nộp khác.
– Căn cứ vào bảng phân bổ doanh thu đã được các bên tham gia liên doanh xác nhận và chứng từ có liên quan do bên bán sản phẩm cung cấp, lập hóa đơn cho bên bán sản phẩm theo số doanh thu mà mình được hưởng, ghi:
Nợ TK 138 – Phải thu khác (bao gồm cả thuế GTGT nếu chia cả thuế GTGT đầu ra, chi tiết cho đối tác tham gia liên doanh bán sản phẩm)
Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (chi tiết cho hợp đồng liên doanh và theo số tiền được chia)
Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (nếu chia thuế GTGT đầu ra).
– Sau khi đối chiếu chi phí phát sinh chung mỗi bên phải gánh chịu và doanh thu chia cho các bên theo hợp đồng, kế toán bù trừ khoản phải thu khác và phải trả khác (chi tiết cho từng bên tham gia BCC), ghi:
Nợ TK 338 – Phải trả, phải nộp khác
Có TK 138 – Phải thu khác.
– Khi bên đối tác tham gia liên doanh thanh toán tiền bán sản phẩm, căn cứ vào số tiền thực nhận, ghi:
Nợ các TK 111, 112,… (số tiền do đối tác trong hợp đồng chuyển trả)
Có TK 138 – Phải thu khác (chi tiết từng bên bán sản phẩm).
– Khi nhận lại vốn góp, ghi:
Nợ các TK 112, 152, 156…
Có TK 138 – Phải thu khác
Nếu có chênh lệch giữa giá trị hợp lý của tài sản nhận về và giá trị khoản vốn góp, kế toán phản ánh thu nhập khác hoặc chi phí khác.